Cắm trại và trải nghiệm vẻ đẹp núi lửa Chư Đăng Ya (Gia Lai)

 

Chư Đăng Ya là ngọn núi lửa đã tắt ở Gia Lai. Giờ nơi này trở thành nơi trồng trọt và điểm du lịch lí tưởng. Với vị trí gần ngay Pleiku, đường đi vào thuận tiện, Chư Đăng Ya thu hút lượng checkin lớn từ khách du lịch. Mình đã tới đây, ngỡ ngàng vì sắc đẹp bốn mùa của nơi này, vì thế mình quyết định cắm trại để thưởng thức thêm vẻ đẹp của ngọn núi lửa trong đêm.

  1. Cách đi tới núi lửa Chư Đăng Ya

Chư Đăng Ya thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm Pleiku khoảng 30km về hướng đông bắc. Đường tới núi lửa rất dễ dàng, có thể đi bằng xe máy hoặc ôtô. Mình đã đi theo Google map và theo một loạt biển chỉ dẫn trên đường. Con đường vào Chư Đăng Ya tuyệt đẹp với màu xanh của cây lá bên đường, những dãy núi đồi nhấp nhô lấp ló trong mây trời

Con đường vào Chư Đăng Ya tuyệt đẹp


  1. Cắm trại ở núi lửa Chư Đăng Ya

Tây Nguyên còn hoang sơ nên dường như nơi đâu cũng thành nơi cắm trại được. Khi tới Chư Đăng Ya, mình cũng thấy một không gian hoang sơ như thế. Đặc biệt, mình tìm thấy địa điểm cắm trại tuyệt đẹp, có view nhìn ra núi lửa. Đi qua bãi gửi xe, bạn đi sâu thêm khoảng 200m sẽ thấy một bãi cỏ trống rộng bao la. Ở đó có một cây cổ thụ bị sâu đục. Trong khung cảnh bao la, một mình cây đứng sừng sững in trên nền trời. Mình và bạn bè đã đặt tên cho địa điểm checkin này là: Cây cô đơn của Chư Đăng Ya. Cây như mời gọi bọn mình tới đây ngồi nghỉ, hạ trại. Không gian mát mẻ và sự tĩnh lặng xung quanh làm mình như muốn chìm vào giấc ngủ. Gia Lai có khí hậu không nóng, không lạnh, rất dễ chịu, đặc biệt vào mùa mưa. 


Bãi cắm trại ở cây cô đơn, có view nhìn sang Chư Đăng Ya


Điều phiền nhất chỉ là những cơn mưa bất chợt. Mình tới Chư Đăng Ya vào tháng 7, sau một cơn mưa lớn. Đất mềm nhũn dưới chân, sương khói vẫn còn bảng lảng. Lời khuyên của mình là khi tới đây, bạn nên theo dõi dự báo thời tiết để tránh ngày mưa. Vì đường đến Chư Đăng Ya có nhiều đoạn đường đất đỏ và trời mưa sẽ làm đường trơn trượt, gây trở ngại khá lớn cho việc di chuyển của bạn. Và nhớ cầm theo tấm bạt lớn để căng trên lều, phòng khi trời mưa.  Thay vì đi gày, bạn chuẩn bị sẵn ủng hoặc dép lê để đi lại cho thuận tiện. Ở chân Chư Đăng Ya cũng có dịch vụ cho thuê dép – một dịch vụ đặc trưng của Tây Nguyên trong mùa mưa. Trong quá trình nấu nướng, các bạn cũng nên mang bếp ga hoặc lót đất dưới củi để tránh tạo các vùng đất đen trên cỏ, gây mất thẩm mĩ. 


Đất đỏ mềm luôn bám dính từng bước chân


  1. Trải nghiệm vẻ đẹp núi lửa Chư Đăng Ya

Một không gian phồn thực 

Mình đã leo lên cây chắc nhất ở gần núi lửa, hướng mắt nhìn ra xa. Vẫn chưa ưng ý, mình quyết định leo lên ngọn đồi gần đó để ngắm cảnh. Lên được nửa đồi, đất dính bết thụt cả giày, không thể đi được nữa. Đường dốc, không có gì bám làm mình đành đi xuống. Song đứng ở đây cũng đủ ngắm hết vẻ đẹp của Chư Đăng Ya rồi. Mọi người hay leo lên Chư Đăng Ya để chụp ảnh. Vậy hãy thử như mình, leo lên quả đồi bên cạnh tìm một góc khác ngắm Chư Đăng Ya toàn cảnh hơn. Từ xa, mình thấy núi lửa đầy đặn, mơn mởn như bầu ngực cô gái với những đường cong tròn trịa, đẹp mê hồn. Bao quanh núi lửa là những thửa ruộng hoa màu tươi tốt mà người dân bản địa tận dụng trồng trọt. Cây trồng ở đây quanh năm xanh tốt mà không cần tưới nước. Vùng đất được hưởng sự màu mỡ do mắc ma phun trào để lại. Không ai nghĩ chính hoạt động canh tác với những nông sản bình thường như dong riềng, ngô, bí khoai mà lại mang đến cho Chư Đăng Ya một vẻ đẹp rất ấn tượng mà không ngọn núi lửa nào có được.

Vẻ đẹp toàn cảnh Chư Đăng Ya


Chư Đăng Ya đẹp là bởi màu sắc rực rỡ của các loài hoa theo mùa. Mỗi mùa, ngọn núi sẽ có những nét đặc sắc riêng. Vào mùa mưa, dưới chân núi rực lên sắc đỏ của hoa dong riềng. Tới mùa khô, sắc vàng của hoa dã quỳ báo mùa lễ hội đã tới. Tất cả đẹp rực rỡ như cô thiếu nữ đang khoe áo mới. Chụp hình núi ở góc độ nào cũng đẹp. Các dải màu tương phản: đỏ - xanh lại được điểm thêm màu trắng của mây tạo bức ảnh sắc nét mà vẫn huyền ảo. 



Không gian nên thơ với mây núi và cánh đồng hoa bạt ngàn

Dù đất rất ướt nhưng mình cũng cố leo lên đến miệng núi lửa. Trên đường đi, mình được ngắm hết thửa ruộng này tới thửa ruộng khác. Ruộng nào cũng xanh tốt. Ở đây, người dân không rào dậu. Hoa trái nhiều đến mức không trông nom hết được. Tuy vậy, bạn đừng vặt trộm đồ của người dân nhé. Nếu thích, có thể xin hoặc mua của họ. Đỉnh của núi không nhọn mà phẳng lỳ và tròn vạnh như cái bát đang trồng một loạt rau mầm. Từ vòm núi lửa, mình thỏa sức dõi mắt nhìn toàn cảnh phố núi Pleiku, danh thắng Biển Hồ.

Một không gian đậm bản sắc

Nếu ở Pleiku bạn ít còn thấy bản sắc của Tây Nguyên thì khi tới Chư Đăng Ya, dấu ấn bản sắc ấy dần được khơi dậy lại qua các công trình kiến trúc dọc đường vào. Gia Lai đã đầu tư xây dựng và bảo tồn các nhà rông, nhà sàn để làm nơi sinh hoạt văn hóa cho địa phương. 

Tháng 11, Chư Đăng Ya còn tổ chức lễ hội hoa dã quỳ với nhiều hoạt động phong phú. Mình sẽ quay lại vào thời điểm này để tìm hiểu thêm về lễ hội của người dân với phong tục uống rượu cần, nhảy múa dưới nhịp cồng chiêng và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Tây Nguyên như cơm lam, gà nướng,...

Nhà rông trên đường vào Chư Đăng Ya


Kết thúc chuyến đi, trong máy ảnh của mình có vô vàn ảnh đẹp mà mình không biết lọc đi cái nào. Chư Đăng Ya xứng đáng là địa danh thể hiện cái chất riêng của Tây Nguyên: vừa hùng vĩ vừa gần gũi. Hùng vĩ vì là những núi đồi cao rộng. Gần gũi vì nó vẫn thoai thoải, màu mỡ đủ để ta có thể leo lên ngắm cảnh hay trồng trọt. Suốt dải đất Tây Nguyên, bạn sẽ gặp nhiều nơi như thế nhưng Chư Đăng Ya sẽ là ngọn núi lửa đẹp nhất bạn từng thấy. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lịch khám phá tại Kon Tum (7N6Đ) (bản tóm tắt)

TRẢI NGHIỆM 5 NGÀY Ở KHU BẢO TỒN NGỌC LINH

Suối Đá Đĩa (Gia Lai) - kì quan ít người biết